Lãi suất hạ, các chính sách gỡ vướng cho thị trường được thúc đẩy là lý do khiến thị trường địa ốc bắt đầu “nhóm lửa” trở lại.
Tại cuộc chia sẻ mới đây, TS. Cấn Văn Lực – chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhận định, khó khăn của thị trường đã qua. Ông Lực dự đoán, khoảng quý III, đầu quý IV năm nay, thị trường bất động sản sẽ phục hồi.
Lý do mà ông Lực đưa ra nhận định này, vì đến thời điểm đó, độ ngấm chính sách sẽ phát huy hiệu quả, nhất là chính sách liên quan đến giảm lãi suất, những chương trình hỗ trợ từ Chính phủ như chính sách tài khóa tiền tệ. Đó cũng là thời điểm những vụ việc nợ trái phiếu đáo hạn sẽ được đàm phán, giải quyết đa số. Đặc biệt là cuối năm nay, tất cả những pháp lý, luật pháp có liên quan đến bất động sản sẽ được Quốc hội thông qua.
Bên cạnh đó, nền kinh tế Việt Nam và thế giới phục hồi rất rõ nét. Trên cơ sở nhận định thị trường địa ốc đang bước qua giai đoạn “đáy”, ông Lực khuyến nghị, đây là thời điểm tốt để mua bất động sản.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, giá bất động sản sẽ khó có thể giảm tiếp. Nếu có giảm, mức giảm chỉ khoảng 3-5%.
Ông Nguyễn Đức Lập – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo bất động sản nhận định, những dự đoán về thời gian phục hồi đã được nói từ năm 2022. Tuy nhiên, phục hồi ở đây không là nghĩa là thị trường sẽ bùng nổ trở lại ngay, nóng ngay về giá, giao dịch. Nhưng không đó đâu, phục hồi sẽ đến từ từ, ban đầu là thanh khoản, thị trường đã ấm hơn cách đây mấy tháng, so với thời kì băng giá.
“Với cách điều hành quyết liệt của Chính phủ và bối cảnh kinh tế vĩ mô của hiện nay, thị trường hi vọng sẽ khởi sắc hơn từ sau quý 3 khi mà các chính sách điều hành của Chính phủ tác động rõ nét vào thị trường. Đồng thời, bức tranh kinh tế thế giới sẽ rõ nét và tích cực hơn”, ông Lập nhận định.
Ông David Jackson, Tổng Giám đốc Colliers Việt Nam lại có góc nhìn cẩn trọng hơn, thị trường vẫn còn khó khăn. Ông David Jackson thừa nhận, nỗ lực từ cơ quan quản lý là có, tuy nhiên, việc thực thi các chính sách này chưa thực sự hiệu quả như kỳ vọng. Chẳng hạn, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng để phát triển nhà ở xã hội, tính đến đầu tháng 6 vẫn chưa có dự án nào để cho vay (theo Bộ Xây dựng).
Tại TP.HCM, chỉ có 6 dự án đáp ứng các tiêu chí và điều kiện để vay. Dù đã có vốn, nguyên nhân của việc chậm giải ngân và chậm phát triển nhà ở xã hội nằm ở việc thiếu quỹ đất do thiếu quy hoạch phát triển nhà ở xã hội ở địa phương. Các khu công nghiệp hầu hết chưa được quy hoạch quỹ đất phục vụ việc xây dựng nhà ở cho công nhân. Ngoài ra, trình tự thủ tục đầu tư nhà ở xã hội còn phức tạp, thậm chí phát sinh thêm so với nhà ở thương mại.
Cũng theo ông David Jackson cũng cho rằng, mặt bằng lãi suất điều hành đã giảm, lãi suất cho vay hiện vẫn còn neo ở mức cao (trung bình 13 – 15%/năm ở các ngân hàng thương mại), cùng với đó là nhiều điều kiện khắt khe hơn về thế chấp và tài sản đảm bảo. Điều này khiến doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn từ tín dụng.
Ở phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, gần 83.000 căn hộ condotel khắp cả nước vẫn chưa được cấp sổ hồng dù Nghị định 10 và Công văn 3382 đã được ban hành do quy định pháp luật chưa đồng bộ. Do đó, các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng như biệt thự, shophouse, condotel, officetel vẫn chưa phục hồi.