Ngành hóa chất: Tập trung đầu tư chiều sâu, nâng cao năng lực sản xuất

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam xác định quan điểm về công tác khoa học và công nghệ trong giai đoạn 2021-2025 đó là: Tập trung đầu tư chiều sâu, nâng cao năng lực sản xuất bằng cách tăng cường ứng dụng công nghệ, thiết bị nhập khẩu tiên tiến, hiện đại, kết hợp chặt chẽ với việc đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ.

Tăng cường nguồn lực cho khoa học và công nghệ

Theo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, trong thời gian qua, công tác khoa học và công nghệ (KH&CN), sáng kiến cải tiến kỹ thuật tại các đơn vị của Tập đoàn đã được chú trọng và đã phát huy vai trò tích cực góp phần vào sự phát triển của các đơn vị nói riêng và của toàn Tập đoàn nói chung. Cụ thể, trong giai đoạn 2016-2020, tổng kinh phí ước tính cho hoạt động KH&CN tại các đơn vị trong toàn Tập đoàn là 265,7 tỷ đồng (không tính chi phí một số nguyên vật liệu, hóa chất sử dụng trong nghiên cứu, ứng dụng được tận dụng từ các nguồn phụ phẩm hoặc dư thừa từ sản xuất).

Ngoài nguồn kinh phí từ ngân sách Nhà nước (cơ bản phân bổ cho đơn vị nghiên cứu và phát triển) và kinh phí từ kế hoạch sản xuất kinh doanh hàng năm (vận dụng tại các đơn vị là các doanh nghiệp sản xuất), Tập đoàn đã quan tâm tổ chức thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm với các đơn vị thành viên trong việc vận dụng chính sách của nhà nước về KH&CN. Theo đó, Tập đoàn đã khuyến khích thành lập, trích lập và sử dụng Quỹ phát triển KH&CN nhằm tăng cường nguồn lực cho công tác KH&CN.

Trong giai đoạn 2016-2020, Quỹ KH&CN của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã chi 35,9 tỷ đồng để hỗ trợ kinh phí thực hiện các nhiệm vụ khoa học, công nghệ gắn liền với hoạt động sản xuất, có khả năng ứng dụng cao được các đơn vị thành viên của Tập đoàn đề xuất và chủ trì thực hiện. Ngoài ra, có một số đơn vị thành viên (Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam, Công ty cổ phần Hóa chất Việt Trì…) cũng đã thành lập Quỹ KH&CN của đơn vị mình.

Bên cạnh đó, hàng năm, Tập đoàn tổ chức các hoạt động trao đổi, tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, các tổ chức, đơn vị khoa học, công nghệ để đưa ra những định hướng cụ thể, phát động công tác nghiên cứu khoa học, công nghệ, sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong toàn Tập đoàn; tổ chức tuyển chọn, hỗ trợ kinh phí thực hiện các nhiệm vụ KH&CN mang tính chất trọng tâm, trọng điểm của các đơn vị. Căn cứ thực tiễn sản xuất kinh doanh, các đơn vị chủ động, độc lập xây dựng kế hoạch KH&CN của đơn vị mình, Tập đoàn sẽ xem xét, trao đổi, góp ý để hoàn thiện và thông qua trong các đợt rà soát kế hoạch sản xuất, kinh doanh hàng năm tại các đơn vị.

Đối với các nhiệm vụ KH&CN nhận hỗ trợ kinh phí từ Tập đoàn, hoạt động kiểm tra, giám sát được thực hiện theo Quy chế quản lý nhiệm vụ KH&CN của Công ty mẹ – Tập đoàn Hóa chất Việt Nam: Kiểm tra giữa kỳ hoặc đột xuất về tình hình triển khai nhiệm vụ, tình hình sử dụng kinh phí…; đánh giá nghiệm thu khi nhiệm vụ kết thúc. Đối với các nhiệm vụ KH&CN, sáng kiến cải tiến kỹ thuật do các đơn vị chủ động xem xét và đầu tư kinh phí, hoạt động kiểm tra, giám sát được thực hiện kết hợp cùng đoàn kiểm tra, giám sát về kế hoạch sản xuất, kinh doanh của Công ty mẹ -Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.

Động lực thúc đẩy năng lực sản xuất và kinh doanh

Trên cơ sở sử dụng các nguồn kinh phí cho phép (ngân sách nhà nước, quỹ KH&CN, sản xuất, kinh doanh…), các đơn vị trong Tập đoàn đã tham gia các chương trình nghiên cứu KH&CN, chủ động thực hiện nhiều đề tài/dự án nghiên cứu, sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Trong đó, có những ý tưởng sáng tạo được hiện thực hóa trong sản xuất, có những công trình nghiên cứu đạt kết quả đáng khích lệ, góp phần mang lại giá trị làm lợi và hiệu quả cho các doanh nghiệp.

Các đơn vị trong Tập đoàn cũng đã tăng cường tiếp nhận chuyển giao công nghệ, thiết bị mới, hiện đại nhằm tạo khả năng cạnh tranh trước yêu cầu hội nhập sâu rộng vào khu vực và trên thế giới. Một số công nghệ, thiết bị tiên tiến được tiếp nhận chuyển giao thành công, đưa vào khai thác có hiệu quả, đặc biệt là tại các đơn vị thuộc một số ngành quan trọng của Tập đoàn như phân bón, hoá chất cơ bản, điện hoá, cao su, chất tẩy rửa…

Theo thống kê giai đoạn 2016-2020, từ yêu cầu của thực tiễn sản xuất, kinh doanh, các đơn vị trong Tập đoàn đã triển khai trên 200 đề tài/dự án khoa học, công nghệ, trên 2.000 sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong các lĩnh vực kỹ thuật công nghệ, kinh doanh và quản lý, có thể mang lại giá trị làm lợi mỗi năm cho đơn vị ước tính hàng chục tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong toàn Tập đoàn đã có 05 bằng độc quyền sáng chế trong đó có 01 bằng sáng chế nước ngoài (công trình của Viện Hóa học Công nghiệp Việt Nam), 20 bằng độc quyền giải pháp hữu ích, đăng ký 02 bằng độc quyền sáng chế tại Mỹ và nhiều công trình đã nhận được các giải thưởng cao quý ở trong nước và quốc tế về KH&CN. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu của các đơn vị Tập đoàn cũng đã được công bố trên 115 bài báo, trong đó có 29 bài được đăng trên các tạp chí nước ngoài có uy tín.

Trong giai đoạn 2021-2025, tình hình sản xuất kinh doanh trong toàn Tập đoàn sẽ còn nhiều khó khăn biến động. Để đảm bảo sản xuất ổn định và phát triển bền vững Tập đoàn cần có nhiều thay đổi tích cực trong mọi lĩnh vực hoạt động nhằm hướng tới mục tiêu đảm bảo có cơ cấu hợp lý, đi đầu trong sản xuất, kinh doanh hóa chất cơ bản và sản phẩm hóa chất phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp tiêu dùng trong nước và xuất khẩu đồng thời nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh của Tập đoàn.

Trước yêu cầu trên, hoạt động KH&CN cũng cần có nhiều đổi mới để đáp ứng yêu cầu, mục tiêu chung của Tập đoàn. Theo đó, Tập đoàn chú trọng nâng cao, phát huy vai trò và trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý trong tổ chức, triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển, đổi mới KH&CN. Trước hết, người đứng đầu chịu trách nhiệm thúc đẩy phát triển, ứng dụng KH&CN thuộc phạm vi quản lý; xác định kết quả thực hiện nhiệm vụ này là một trong những tiêu chí, thước đo đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý.

Đồng thời, bám sát, tuyên truyền, quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm chỉnh và đồng bộ quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, chủ trương và chính sách của Đảng, Chính phủ và các Bộ ngành về phát triển, đổi mới KH&CN phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, chủ trương và chính sách về việc chủ động tiếp cận và tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Trên cơ sở này, Tập đoàn xác định quan điểm về công tác KH&CN trong giai đoạn 2021-2025 là: Tập trung đầu tư chiều sâu, nâng cao năng lực sản xuất đồng thời từng bước đổi mới công nghệ, máy móc thiết bị bằng cách tăng cường ứng dụng công nghệ, thiết bị nhập khẩu tiên tiến, hiện đại, kết hợp chặt chẽ với việc đẩy mạnh công tác nghiên cứu KH&CN để làm chủ công nghệ nhập, phát triển tiềm năng KH&CN.

Qua đó, từng bước tạo ra công nghệ của mình trên cơ sở bám sát các vấn đề/yêu cầu cấp thiết của thực tiễn sản xuất tại các doanh nghiệp/đơn vị của Tập đoàn, đồng thời quan tâm nghiên cứu phát triển những định hướng sản xuất mới nhằm giúp khẳng định, giữ vững và nâng cao vị thế doanh nghiệp hàng đầu của ngành công nghiệp hóa chất, tương xứng với vai trò của một tập đoàn kinh tế của đất nước.

Công tác khoa học và công nghệ, sáng kiến cải tiến kỹ thuật là một trong những nhân tố quan trọng góp phần đảm bảo sự tăng trưởng và hiệu quả hoạt động của ngành hóa chất trong những năm qua, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng và sự bùng nổ của cách mạng công nghiệp 4.0.

Nguồn: Congthuong.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *