OPEC+ cắt giảm 2 triệu thùng dầu/ngày để ngăn giá dầu thế giới lao dốc? 05/10/2022

TTO – Ngay trước thềm cuộc họp của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) tại Vienna, Áo ngày 5-10, một nguồn tin từ OPEC cho biết khối này đang cân nhắc cắt giảm đến 2 triệu thùng dầu/ngày, thay vì 1 triệu thùng.

Thông tin được tiết lộ với Hãng tin Reuters ngày 4-10, một ngày trước cuộc họp quan trọng của OPEC+.

Những ngày trước đó, nhiều nguồn tin ẩn danh của các hãng thông tấn như Reuters, Bloomberg cho biết OPEC+, trong đó có Saudi Arabia và Nga, đang thảo luận để cắt giảm 1 triệu thùng dầu mỗi ngày nhằm ngăn dầu giảm giá.

Như vậy, có thể dự đoán OPEC sẽ muốn cắt giảm mạnh sản lượng dầu trong cuộc họp hôm nay 5-10, mức cắt giảm lớn nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu và giá dầu thô lao dốc.

Hãng tin nhà nước KUNA của Kuwait dẫn lời bộ trưởng dầu mỏ Kuwait cho biết OPEC+ chủ yếu tập trung vào việc cung cấp đủ dầu cho nhu cầu của thị trường hơn là kiểm soát giá.

Về phía Kuwait, Bộ trưởng Mohammed al-Fares nói nước này muốn đảm bảo sự ổn định trên thị trường dầu toàn cầu và ngăn chặn biến động giá.

Khoảng cuối tháng 9-2022, giá dầu đã rơi xuống mức dưới 90 USD/thùng, ngang mức ghi nhận tháng 1-2022 (khoảng 76-90 USD/thùng) sau thời gian tăng giá, sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Trong ngày 5-10, giá dầu thô WTI giao sau giảm 0,35%, còn 86,23 USD; dầu Brent giảm 0,24%, còn 91,58 USD mỗi thùng.

 

Theo nguồn tin của Reuters, Mỹ đang thúc đẩy các quốc gia OPEC+ không cắt giảm sản lượng với lý do các nguyên tắc cơ bản về kinh tế không cho thấy đây là biện pháp nên làm lúc này.

Mỹ từ chối bình luận về những nguồn tin của báo chí về hành động của OPEC trước cuộc họp cho tới khi khối này thực sự hành động, bà Adrienne Watson, người phát ngôn của Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, cho biết.

Trong những tháng gần đây, giá dầu giảm do tâm lý lo ngại các nền kinh tế lớn xảy ra suy thoái kéo theo nhu cầu dầu xuống thấp, bên cạnh việc đồng USD mạnh lên và kinh tế Trung Quốc ảm đạm vì dịch COVID-19.

Việc cắt giảm sản lượng dầu, nếu xảy ra, sẽ khiến các ngân hàng trung ương phải đau đầu vì giá năng lượng cao là nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát cao ở nhiều nước, buộc các ngân hàng trung ương phải tăng lãi suất, gây ảnh hưởng đến hầu hết nền kinh tế trên thế giới.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *